Đối với người Việt, bàn thờ là nơi thờ cúng gia tiên, tưởng nhớ tổ tiên là nơi trang nghiêm, tôn kính nhất. Tuy nhiên, phong tục thiêng liêng này cũng cần có những nguyên tắc riêng mà không phải ai cũng có thể biết. Thêm vào đó, phong thủy thờ cúng có những ảnh hưởng nhất định đến những con người đang sống trong gia đình.
Phong thủy nơi thờ cúng đến gia vận của thành viên trong gia đình
Người xưa cho rằng, chỉ cần nhìn vào ban thờ cúng của gia đình cũng có thể biết được gia chủ có tâm hay không. Gia chủ đặt vị trí đặt bàn thờ, cách sắp xếp bàn thờ phù hợp, trang nghiêm và sạch sẽ đó chính là cái tâm thờ cúng.
Người ta thường đặt ban thờ thần Phật ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường vững chắc hoặc để chung với bàn thờ gia tiên bởi lẽ quan niệm của người Việt cho rằng Thần Phật thờ trong nhà giống như người khách quý.
Phong tục thờ cúng tốt đẹp này không phải tùy tiện sắp xếp mà có những nguyên tắc sắp xếp riêng. Thờ cúng gia tiên, thần Phật không đo bằng mâm cao cỗ đầy, vàng mã bao nhiêu mà cốt là ở cái tâm. Theo phong thủy, bàn thờ là nơi linh khí quy tụ, là chỗ để người trên dương thế liên hệ với người đã khuất, người chết thì thành thần, thần lại là trung gian giữa trời với người. Do đó khí trường của ban thờ ảnh hưởng rất lớn đến người trong nhà. Theo quan niệm, ban thờ được sắp đặt đúng cách không những giúp cho người đã khuất an định mà còn phù hộ, coi sóc gia đình.
Đặt ban thờ như thế nào để đúng phong thủy
Việc bài trí ban thờ đúng hướng, đúng cách rất quan trọng:
- Ban thờ cần đặt hướng quay ra cửa chính, tyệt đối không ngược với hướng nhà. Cách đặt này có thể làm cho âm dương tương phản, tài vận bị ảnh hưởng.
- Bất kỳ gia đình nào khi quyết định lập ban thờ cúng đều đặt ở khu vực trung tâm trong gia đình (còn gọi là vị trí Trung Cung). Tại phần phía trước bàn thờ, gia chủ có thể đặt một bộ bàn ghế tiếp khách. Đây được coi là cách bài trí truyền thống và khu vực bàn thờ sẽ được nhìn thấy ngay mỗi khi bạn bước chân vào cửa chính của ngôi nhà.
- Khác với ban thờ tổ tiên, bàn thờ Thổ địa và Thần tài thì bạn nên đặt ở dưới đất ngay lối ra vào chính. Vị trí này không chỉ thể hiện sự ‘nghênh tiếp’ trang trọng và trực tiếp mà còn giúp bạn xua đuổi côn trùng hay giảm bớt không khí ẩm ướt trong nhà.
- Ban thờ cần được bài trí hài hòa, nghiêm trang, không cầu kỳ, mà sắc trang nhã chứ không được quá u tịch, u ám vì nhà ở chứa nhiều dương khí chứ không giống như đền, miếu hay một ngôi chùa thiên về âm khí.
- Đặt hướng ban thờ còn căn cứ theo mệnh gia chủ. Ví dụ như nếu gia chủ mệnh Đông tứ trạch thì bàn thờ nên theo hướng Bắc (Khảm), Đông Nam (Tốn), Đông (Chấn), Nam (Ly)... Còn với gia chủ mệnh Tây tứ trạch thì bàn thờ nên đặt theo hướng Tây Bắc (Càn), Đông Bắc (Cấn), Tây Nam (Khôn), Tây (Đoài).
- Tổ tiên được coi là chủ, thần Phật được coi là khách quý, nên phải mời tổ tiên trước rồi mới mời thần Phật. Theo đó, bài vị tổ tiên tuyệt đối không được đặt cao hơn của thần Phật. Ban thờ phải có chỗ dựa lưng, tức kê sát vách tường để linh khí được hội tụ không bị tản mát.
- Bát hương thờ thần Phật phải cao hơn bát hương thờ tổ tiên, khi cắm hương thì nén hương nên cao hơn mắt người. Chỉ nên đốt một que, nếu có điều cần khấn nguyện thì đốt ba que, không nên đốt nhiều hơn dễ khiến tà linh theo vào nhà.
- Nếu là Thờ Phật và Quan Âm chỉ được dùng đồ chay do nhà Phật, chủ yếu dùng hoa quả và phải là số lẻ 1, 3, 5, nếu cúng tổ tiên thì số lượng là hai chữ số.
Vật liệu bát hương tốt nhất là dùng bằng sứ, sau đó đến đồng, không nên dùng đá hoa cương. Ban thờ chuẩn phong thủy cần đảm bảo đủ 5 yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.